Off-road được biết đến như những “anh chàng to xác” với âm thanh đầy mạnh mẽ, khả năng vượt qua những địa hình chông gai và hoàn toàn dành cho những kẻ ưa thử thách, ưa chinh phục địa hình. Hãy cùng nhau lướt qua và tổng hợp một ít thông tin nâng cấp hệ thống giảm xóc cho những anh chàng này nhé!
1. Lựa chọn cấu hình để nâng cấp hệ thống giảm xóc
Hệ thống giảm xóc của những anh chàng off-road nam tính mạnh mẽ này gồm 4 phuộc và lò xo hoặc thanh xoắn cho 2 bánh trước và nhíp hoặc lò xo cho hai bánh sau và các vòng đệm cao su giảm chấn.
Trước khi nâng cấp hệ thống giảm xóc hãy suy nghĩ thật kỹ về cách sử dụng xe cũng như các món đồ muốn gắn thêm trong tương lai sẽ làm tăng trọng lượng của xe ra sao. Có những câu hỏi nên được xác định rõ để lựa chọn một cấu hình tối ưu nhất cho hệ thống giảm xóc như:
- Xe có thường xuyên phải chở nặng hay không?
- Trong tương lai có gắn thêm cản tời hay baga mui hay không?
- Người sử dụng thích cảm giác êm ái bồng bềnh hay cảm giác chắc lái khi vào cua?
Có 2 loại phuộc và 3 loại lò xo hoặc nhíp được chia thành:
- Phuộc dạng thể thao và phuộc thường
- Lò xo hay nhíp thì có loại cứng, loại vừa và loại mềm
Kết hợp lại sẽ cho ra 6 dạng giảm xóc với đặc điểm tính năng khác nhau. Ví dụ xe có gắn cản tời, baga mui lại đi gắn lò xo mềm thì trước tiên xe sẽ bồng bềnh rất khó chịu, sau một thời gian các lò xo do không chịu nổi tải sẽ bị mỏi và dần dần giảm độ dài cũng như độ đàn hồi.
Đặc biệt xe có gắn cản thép sẽ ảnh hướng rất lớn tới tuổi thọ cũng như chất lượng của hệ thống giảm xóc nếu như ngay từ đầu lựa chọn sai cấu hình, 50 kg đặt lên giữa xe không bằng 10 kg tăng lên phía trước hoặc sau xe, vì vậy gắn thêm cản, tời, giá treo bánh xe dự phòng hay chế thêm bất kỳ món gì ở trước hoặc sau xe đều cần phải tính toán kỹ tới ảnh hưởng của nó lên tính năng vận hành của xe và chọn hệ giảm xóc cho thích hợp. Phân bổ trọng lượng không hợp lý không chỉ làm hại hệ thống giảm xóc mà còn có thể gây nguy hiểm khi xe vào cua ở tốc độ cao.
2. Điều gì cần lưu ý khi lựa chọn hệ thống giảm xóc để thay thế?
Việc nâng cấp hệ thống giảm xóc mất khoảng từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ tháo ráp tùy theo từng loại xe và hoàn toàn không phải khoan, hàn hay cắt bất kỳ bộ phận nào trên xe. Việc thay thế hệ thống giảm xóc không ảnh hưởng đến kết cấu hay thiết kế ban đầu của xe
Đặc điểm khiến hệ thống giảm xóc độ được xem xét hơn hệ thống giảm xóc nguyên bản theo xe là chiều dài hành trình lớn và khả năng hấp thu lực tác động từ mặt đường lên bánh xe.
- Chiều dài hành trình là khoảng cách di chuyển cao thấp của bánh xe so với trục nằm ngang khi xe đậu trên một mặt phẳng trong tình trạng không tải.
- Những bộ phận liên quan đến chiều dài hành trình của bánh xe bao gồm phuộc, nhíp hoặc lò xo, đôi khi bao gồm cả thanh dằng ngang hoặc dọc.
=> Khi đi trên đường không bằng phẳng hệ thống giảm xóc sẽ di chuyển theo trình trạng của mặt đường, khi hết hành trình giảm xóc thân xe bắt đầu nghiêng theo, vì vậy chiều dài hành trình lớn sẽ giúp thùng xe ít bị nghiêng và rung lắc theo mặt đường khi di chuyển trên địa hình không bằng phẳng, 4 bánh xe sẽ hoạt động gần như độc lập, xe chạy ổn định hơn do trọng tâm không bị dịch chuyển nhiều.
a/ Phuộc nguyên bản mono tube theo xe (phuộc “zin”)
Đa số phuộc nguyên bản theo xe là loại mono tube tức chỉ có 1 ống chứa dầu, bên trong là 2 piston và 1 van đóng vai trò như thắng. Nhược điểm của phuộc mono tube là sau một đoạn đường nhất là ở những nước có khí hậu nóng như ở Việt Nam, dầu bên trong bị nóng và thể tích tăng lên, trong khi đó thể tích của ống thấm phuộc không thay đổi, do đó dầu làm cho hành trình của piston giảm, phuộc đàn hồi rất kém. Ngoài ra do cấu tạo vỏ phuộc chỉ có 1 ống nên nếu chẳng may bề mặt phuộc bị móp vì một lý do nào đó thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hành trình của các van và piston bên trong.
b/ Phuộc độ twin tube
Phuộc độ Aftermarket có 2 ống, hay còn gọi là twin tube, bên trong có 2 khoang (1 chứa dầu, 1 chứa khí ni-tơ) với 1 piston và 2 van, 1 van đảm nhiệm chức năng giảm xóc khi nén và 1 van đóng vai trò giảm xóc khi giải nén. Khi nhiệt độ nóng, thể thích dầu tăng lên, phần thể tích dành cho khí ni-tơ thu hẹp, khí sẽ thành bọt hòa lẫn vào trong dầu vừa làm mát vừa cân bằng phần không gian để hấp thu phần thể tích thay đổi nên độ đàn hồi và hành trình phuộc sẽ không bị ảnh hưởng xe vẫn êm cho dù đi một quãng đường dài và xóc.
Số lượng và cấu tạo của các lá kim loại làm nên các van trong phuộc cũng đóng vai trò quyết định tạo nên sự khác biệt giữa phuộc độ twin tube so với phuộc nguyên bản mono tube hay giữa các hiệu phuộc after market khác nhau như Rancho, Revtek, Rough Country, OME, Blisten,....
Khi thay phuộc thì phải chú ý tới chiều dài của hành trình phuộc, xe có gắn spacer hay không gắn spacer? có thay nhíp/lò xo hay không? chọn sai phuộc hoặc không đồng bộ với những bộ phận khác trong hệ giảm xóc không những không có được kết quả như mong muốn mà nhiều khi còn làm hư luôn phuộc tốn tiền một cách vô ích.
3. Bảo dưỡng sau khi nâng cấp hệ thống giảm xóc cho off-road
Bảo dưỡng hệ thống giảm xóc không mấy khó khăn đối với các tài xế chuyên nghiệp, sau mỗi chuyến off-road hãy
- Rửa sạch gầm xe
- Bơm mỡ vào các núm mỡ của bát nhíp (shackle)
- Siết lại các ốc và kiểm tra bằng mắt thường các chi tiết của hệ thống giảm xóc để sớm tìm ra những thiệt hại để có cách khắc phục sớm.
Có một phương pháp đơn giản để nhận biết hệ thống giảm xóc còn tốt như trình trạng ban đầu hay không là trước và sau khi độ phuộc hãy đo và giữ lại thông số về chiều cao của xe, kiểm tra lại sau mỗi 500km để xác định thông số này có thay đổi hay không, nếu có chắc chắn có gì đó không ổn và cần kiểm tra kỹ hơn, nếu không thì chỉ cần bảo trì thông thường như đã nói trên là đủ.
Chúc bạn có những hành trình off-road thật êm ái và an toàn cùng những “chàng trai mạnh mẽ” của mình!